<bgsound src="/Nhac Dieu Buon Phuong Nam.mp3"/> Le Dinh













































Ngày của Cha
Truyện Ả Q. Việt Nam




Tôi gọi anh ta là ả Q. vì tên anh ta là Q. nhưng họ Ng, (không phải Nguyễn).

Anh là con nhà gia thế, được cha mẹ cho đi du học Canada từ những năm đầu tiên thập niên 60, thế kỷ 20. Anh học giỏi, đỗ bằng tiến sĩ Toán hay Khoa Học gì đó, tôi không rõ lắm. Chỉ biết là khi tôi từ trại tỵ nạn sang Montréal, thì anh đã là giáo sư một trường Đại Học ở đây rồi. Tại Canada, được chức giáo sư chính thức một trường đại học là sướng lắm, không bao giờ mất việc, lại có nhiều quyền lợi, và khi về hưu, sống thong thả.

Tôi quen anh cũng tình cờ, do một người bạn rủ đến đánh bài tại nhà anh. Anh sống độc thân, không hiểu vì không thích lấy vợ, hay vì anh hơi gàn bướng và ngang như cua. Anh lại thích thơ phú, có xuất bản cả một thi tập nhưng tôi vì thơ với thẩn, không biết thưởng thức nên không hạp với bộ môn này. Bởi thế cho nên, đến nhà anh chơi chỉ để đánh bài mà thôi. Nhờ lương giáo sư, anh mua được một căn nhà ở vào một khu sang trọng, cho nên đến đánh bài nhà anh, rất thoải mái. Vậy mà giao tình giữa tôi và anh không kéo dài, chấm dứt tức tưởi chỉ vì một chuyện lãng xẹc. Không liên quan đến thơ, mà vì một bản nhạc, mới kỳ cục. Chả là hôm ấy tôi hơi xui, bài đã xấu mà anh lại cao hứng, cứ hát đi hát lại một bản nhạc của Trịnh Công Sơn, khi đó mới gửi ra ngoại quốc. Hình như anh có quen biết với người nhạc sĩ này thì phải, ấy là tôi nghe vu vơ người ta nói đâu đó thôi, không lấy gì làm chắc. Bản nhạc đó có tên là: Em ra đi nơi này vẫn thế.

Bài đang đen, nghe anh hát lải nhải mãi, bực mình, tôi bật ra một câu:

- Cả nước đi ăn mày mà vẫn thế là thế nào?

Ấy là vì tôi vừa mới ở trại tỵ nạn sang được ít lâu, vẫn không quên những lần xếp hàng lãnh thực phẩm do Cao Ủy Tỵ Nạn phát không nên có cảm tưởng là mình đi ăn xin, mặc cảm khó quên. Sang Montréal, chưa tìm được việc làm nên phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội một vài tháng, nay lại nghe người ta hát "nơi này vẫn thế" trong khi người trong nước vẫn chờ mong những thùng quà ngoại quốc gửi về, không bực mình sao được?

Câu nói của tôi hình như chạm vào tự ái của anh thì phải, tôi thấy anh tái mặt, và không khí từ đó trở nên rất nặng nề. Thế là tôi không còn được anh mời đến nhà hầu bài anh nữa. Cũng chẳng sao!

Anh thân cộng, như rất nhiều các Việt kiều yêu nước tại thành phố Montréal, hồi trước 75. Tuy vậy, anh không có các hành động chính trị nào, chỉ lo học thôi nên ít ai biết đến anh. Ít năm sau, người bạn học chung cho tôi biết anh hay về Việt Nam chơi, nhiều khi ở lại cả một, hai tháng, vào các dịp hè trường đóng cửa. Mỗi khi về, anh kể chuyện Việt Nam hào hứng lắm. Dĩ nhiên, khi túi đầy đô la, và ở trong tư thế đi du lịch, cái gì mà không đẹp, không tốt. Cứ thế nhiều năm, đến khi anh tới tuổi về hưu, anh bán nhà, về Việt Nam ở hẳn. Qua người bạn, tôi được biết ở Việt Nam, anh sướng lắm, có tiền mướn người đến phục dịch, nấu ăn cho anh, chứ ở Canada, anh thui thủi một mình, cũng buồn.

Anh chê đời sống bên Canada, người nào cũng chỉ biết sống cho cá nhân mình, không như Việt Nam, có tình, có nghĩa, đời sống Xã Hội Chủ Nghĩa thập phần tốt hơn bọn tư bản. Chả biết tình nghĩa tốt thế nào, mà ít lâu sau, tôi nghe nói anh bị lừa một cú nặng, mất một số tiền rất lớn. Nghe như chuyện đàn bà, con gái gì đó, tôi không rõ lắm. Người ta nói là anh phải bỏ tiền ra cho bọn Công an nơi anh ở, nên cũng không bị tù tội gì. Tôi nghi người ta gài bẫy anh, chứ anh không phải là người hay lăng nhăng, đó không phải bản tính của anh.

Bẵng đi ít lâu, tôi nghe tin anh lấy vợ tại Việt Nam. Vợ của anh chính là người đàn bà vẫn đến giúp việc và nấu ăn cho anh. Nghe người ta nói bà này trẻ hơn anh cả hai chục tuổi. Người bạn học chung của chúng tôi nói : Anh Q. phải lấy vợ vì bà này có bầu, sắp sanh. Anh không muốn con mình sau này không có cha.

Thì ra, ông bà mình nói cũng hay, lửa gần rơm lâu ngày cũng bén. Và anh Q. có con vào lúc cuộc đời xế bóng, lại là một đứa con trai nữa, thật đáng nể.

Tôi cứ nghĩ rằng mọi việc trong cuộc đời này có sự sắp đặt của định mệnh, và định mệnh khiến cuộc đời của Q. phải là như vậy. Tôi thầm mong cho anh sống yên ổn trong Xã Hội Chủ Nghĩa của anh và con anh sẽ lớn lên trong cái xã hội đó, xã hội mà anh đã đặt trọn niềm tin, lý tưởng.

Dòng đời cứ lặng lẽ trôi, tôi quên bẵng là có anh Q. trong cuộc đời.

Mùa hè năm 2016, tôi lại được nghe người ta nói về Q. Anh bạn học chung nói với tôi:

- Q. về Montréal rồi?

- Vậy sao? Anh ta thích Xã Hội Chủ Nghĩa lắm mà. Chán CS rồi hay sao?

- Không biết có chán hay không, nhưng về Montréal vì đứa con. Thằng bé đến tuổi đi học rồi. Bộ bên Việt Nam không có trường hay sao?

- Thì vẫn có, nhưng thằng nhỏ có quốc tịch Canada của bố nó, phải học tại Montréal cho biết tiếng Pháp, tiếng Anh chứ.

Cũng tội, số tiền bán nhà xài hết, bây giờ về đây, phải đi ở thuê, một ấp 4 1/2. Khác xa hồi xưa, cũng may còn tiền hưu trí. Thì ra, thích Xã Hội Chủ Nghĩa là một chuyện, nhưng để cho con mình chịu sự giáo dục của Xã hội đó, Văn hóa đó, lại là một chuyện khác.

Ngày của cha, 19 tháng sáu sắp tới đây, tôi viết lại truyện này để tặng Q. và tặng tất cả những người cha đã hy sinh tất cả, ngay lý tưởng của mình, để cho những đứa con được hạnh phúc.



Montreal, Canada




















Free Web Template Provided by A Free Web Template.com